Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Lịch sử thế giới hóa học (p.1 Quan niệm hóa học trong thời cổ đại)

Thời kỳ phát triển sơ khai của hóa học
“Nghệ thuật thần bí hóa học” ra đời tại Ai Cập cổ đại. Tại các nước Châu Âu, từ “hóa học” được phát âm khá giống nhau: “chemistry” – tiếng Anh, “chemie” – tiếng Đức, “chimie” – tiếng Pháp, “химия” – tiếng Nga, “chimica” – tiếng Italia, “quimica” – tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, “kemi” – tiếng Thụy Sỹ và Đan Mạch, “kimya” – tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay, người ta vẫn chưa xác định được thời điểm xuất hiện của từ “hóa học” và ý nghĩa ban đầu của nó là gì. Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết cho rằng, “hóa học” xuất phát từ “chemia” – “Đất nước đen”; vì tại Hy Lạp cổ đại, đó là từ dùng để chỉ Ai Cập theo màu đất ở đồng bằng sông Nil. Trong tiếng Hy Lạp cổ tồn tại nhiều từ mà khi phát âm khá giống nhau. Ví dụ, trong các bản thảo về y học, mô tả phương pháp làm thuốc, từ “xymoc” nghĩa là nước hoa quả. Trong khi đó “xyma” lại có nghĩa là “đúc”, vì thế có thể từ “hóa học” có liên quan tới việc đúc kim loại.
Trong tiếng Hy Lạp hiện đại có từ “chemesis” nghĩa là “trộn” – một trong những thao tác quan trọng của phần lớn các quá trình hóa học.
Thuật ngữ “hóa học” theo nghĩa “pha trộn”, “rót” lần đầu tiên được nhà triết học và thực nghiệm tự nhiên học Zosimos Panopolis (350 – 400) dùng vào thế kỷ IV và V, ông  được coi là người đã sáng lập ra “giả kim thuật”.

1.1    Sự ra đời của hóa học trong thế giới cổ đại
Cho tới nay, việc tranh luận về thời điểm ra đời của hóa học với tư cách là một môn khoa học vẫn chưa có hồi kết. Liệu có thể cho rằng khoa học hóa học chỉ xuất hiện sau khi các nhà khoa học có thể giải thích nguyên nhân và đặc điểm diễn ra của phản ứng hóa học được không? Hoặc sự ra đời của hóa học được tính là khi xã hội bắt đầu đặt ra các vấn đề nghiên cứu một cách có ý thức trước các nhà khoa học?

1.1.1. Quan niệm hóa học trong thời cổ đại
Thật khó để nói rằng, ở đâu và khi nào tổ tiên chúng ta bắt đầu quan tâm tới sự biến đổi của chất. Rõ ràng, lúc đầu con người sử dụng các quá trình hóa học diễn ra tự nhiên trong những đối tượng sinh học; ví dụ sự lên men, thối rữa. Từ nguyên liệu  có xuất sứ động vật hay thực vật, người cổ đại tạo ra được nhiều sản phẩm, ví dụ rượu vang (từ nước nho), bia, dấm, chất béo động vật và thực vật, nước hoa, dầu thơm, thuốc men.
Sau khi đã chế ngự được lửa, con người học cách nấu thức ăn và nướng bánh mỳ từ ngũ cốc, sử dụng các quá trình hóa học nung, nấu nóng chảy trong sản xuất gốm và thủy tinh, đúc kim loại. Các phát hiện khảo cổ tại nam Thổ Nhĩ Kỳ, ở đây đã phát hiện ra nhiều chi tiết làm từ đồng và chì, di chỉ lò nấu kim loại, các hình vẽ màu trên tường cho phép đặt giả thuyết rằng, con người có đã có hiểu biết hóa học nhất định gần 10 nghìn năm trước. Người ta cho rằng, gần 5 – 6 nghìn năm trước, tại lò luyện kim của các nền văn minh cổ đại – Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Mesopotamia đã tạo được kim loại từ quặng, sản xuất được phẩm nhuộm, nung đồ gốm. Thành phần thủy tinh Hy Lạp cổ đại, có niên đại gần 6000 năm, không khác mấy so với thành phần thủy tinh bây giờ. Khoảng 3000 năm TCN tại Ai Cập cổ đại đã nấu được một lượng lớn đồng khi sử dụng than làm chất khử. Cũng trong thời gian này, tại Mesopotamia đã nấu được sắt, đồng, bạc và chì. Việc nắm vững kỹ năng thực hành các quá trình hóa học phức tạp xảy ra khi đúc đồng, đồng thau và sắt trở thành bước phát triển quan trọng không chỉ với hóa học mà còn với luyện kim; điều này làm thay đổi về mặt bản chất điều kiện sống của con người và các hoạt động của họ.
Tại các dân tộc phương Đông và Địa trung hải, nghệ thuật nhuộm đạt trình độ cao. Các nghệ nhân sử dụng bột màu và thuốc nhuộm: khoáng chất (vô cơ) – thổ hoàng, hồng đơn, xanh rỉ đồng, và hữu cơ như – chàm, thiên thảo, màu huyết dụ. Họ sử dụng các chất gia cố màu cho vải và chất thuộc da để chế biến da (phèn chua, sắt sulphat). Trong các nền văn minh cổ đại người ta tạo được vật liệu xây dựng (gạch) và chất kết dính (vôi).
Hóa học, cũng như các môn khoa học tự nhiên khác, ra đời từ những nhu cầu cuộc sống hăng ngày. Hiểu biết về các quá trình hóa học khác nhau dần dần được tích lũy.
 Ở Ai Cập cổ, những bí quyết của nghề thủ công có thể tạo ra sự giàu có, được giữ rất cẩn thận, các bí kíp đó là đặc quyền và thuộc sở hữu của các thầy tư tế. Bởi vậy, thủ công nghiệp hóa học được coi là thuộc về thần thánh và bao trùm bởi sự thần bí. Chính tại Ai Cập cổ, những hiểu biết hóa học của thời gian này được tập trung. Điều này được chứng minh bởi văn tự ghi trong các cuộn giấy papirus còn giữ được đến nay. Từ quốc gia cổ đại Chemia – “Đất nước đen”, các nghề thủ công dựa trên quá trình hóa học dần được phổ biến ra các nước khác khu vực Cận Đông, Hy Lạp và đế quốc La Mã. Trong các huyền thoại và thần thoại có thể tìm thấy bằng chứng khẳng định rằng, trong thế giới cổ đại, hiểu biết hóa học đã rất rộng. Trong thần thoại về Promete, vị thần đã tặng lửa cho con người, kể về việc học tập quá trình luyện kim của con người, còn trong kinh Cựu Ước có nhắc tới sáu kim loại: sắt, chì, thiếc, đồng, bạc và vàng.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét