Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Lịch sử thế giới hóa học (p.3 Giả kim thuật Hy Lạp và Ai Cập)

1.2. Hóa học trong thời kỳ trung cổ
 
Vào thế kỷ thứ IV – V kiến thức hóa học được đưa vào Tiểu Á. Tại Syri xuất hiện những trường phái triết học nhằm phổ biến ý tưởng triết học tự nhiên Hy Lạp và hiểu biết hóa học trong thế giới Arập. Lúc này từ “chemist” – “nhà hóa học” được đưa thêm tiền tố “al” để trở thành “alchemist” – “nhà giả kim thuật”.
Ý tưởng “giả kim”, xuất hiện vào thế kỷ thứ III – IV tại Ai Cập, trở thành đề tài chính đối với các nhà giả kim thuật. Giả kim thuật là một xu hướng triết học và văn hóa, trong đó sự thần bí và ma thuật với thủ công và nghệ thuật được hòa trộn với nhau: hầu như suốt một nghìn năm trăm năm các nhà giả kim thuật tập trung vào việc tìm kiếm phương pháp biến đổi kim loại thường  – sắt, chì đồng – thành kim loại đắt tiền – vàng, bạc – nhờ một chất đặc biệt – “hòn đá triết học”.
 
1.2.1. Giả kim thuật Hy Lạp và Ai Cập
 
Ý tưởng biến một nguyên tố thành nguyên tố khác dựa trên trên luận điểm của triết học Aristot. Nhu cầu lớn về vàng đã tạo ra sự quan tâm lớn với các nhà thực nghiệm tự nhiên trung cổ. Vì chủ nghĩa thần bí trở thành hệ tư tưởng của các nhà giả kim, nên họ nghiên cứu việc luyện kim qua lăng kính chiêm tinh và ma thuật. Bởi vậy trong những thế kỷ đầu tiên công nguyên, các kim loại điều chế được đều gọi tên theo các thiên thể. Trong thời kỳ đó các bản thảo giả kim thuật còn lưu lại tới nay đều sử dụng ngôn ngữ quy ước vay mượn từ kiến thức thần bí Hy Lạp và Phương Đông. Trong các tài liệu đó có mô tả các phương pháp điều chế kim loại quý bằng cách biến đổi kim loại thường.
Do bốn kim loại Aristot không đủ để lý giải việc luyện kim về mặt hóa học, các nhà giả kim Hy Lạp và Ai Cập bắt đầu xem xét thủy ngân (biểu tượng của tính kim loại) và lưu huỳnh (biểu tượng của tính cháy) như các thành phần chính (nguyên tố) của các kim loại. Nhờ “mạ vàng” và “mạ bạc” mà từ các kim loại thường có thể tiến tới điều chế các chất sơn nhuộm có màu vàng hoặc trắng giống như những kim loại quý.
Các nhà giả kim cho rằng toàn bộ giới tự nhiên đều có sức sống. Bởi vậy họ tin rằng, kim loại lớn lên và chín trong lòng đất. Vàng được coi là kim loại chín hoàn toàn, còn các kim loại thường thì chưa chín. Các nhà giả kim không muốn chờ cho tới khi các kim loại đó chín dưới tác dụng của "lực tự nhiên", họ cố gắng làm tăng tốc quá trình này nhờ "nghệ thuật hóa học". Khi đó lòng tham và khao khát giàu có trở thành thói xấu ngăn cản các nhà giả kim nhận thức được giới tự nhiên. Các nhà giả kim cũng thường sử dụng những tên gọi nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động của mình như, nữ thần Isys của người Ai Cập cổ, thần Hephaestus của người Hy Lạp cổ, thậm chí người sáng lập nghệ thuật giả kim huyền thoại Hermes.
Lúc đầu, nhà thờ thiên chúa chống lại giả kim thuật khi xem nó như một thứ tà ma. Tuy nhiên sau đó họ xem xét lại và có thái độ rộng lượng hơn với các nhà giả kim. Một số điểm trong Kinh thánh cũng nhắc đến việc một số tác giả Kinh thánh cũng từng là nhà giả kim như Joan - tác giả kinh Phúc âm.
 Việc theo đuổi “hòn đá triết học” một cách vô ích để điều chế kim loại quý lại giúp họ hiểu sâu và rộng hơn về các quá trình hóa học sử dụng trong thủ công. Các nhà giả kim đã dùng hỗn hống để làm sạch vàng, sản xuất gốm và thủy tinh, phát hiện ra một số hợp chất hóa học mới, ví dụ amoni clorua. Họ cũng phát minh ra hàng loạt dụng cụ hóa học, trong đó có thiết bị để chưng cất.


(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét