Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Lịch sử thế giới hóa học (p. 4 Giả kim thuật Ả rập)


1.2.2. Giả kim thuật Ả rập
Sau khi chinh phục Ai Cập vào thế kỷ VII, người Ả Rập không chỉ tiếp nhận các nền văn hóa Đông Hy Lạp, có nguồn gốc từ trường Alexandria cổ đại, mà còn tự nâng cao tầm hiểu biết theo các nhu cầu thực tế. Sự nở rộ kiến thức hóa học được đánh dấu ở cuối thế kỷ VIII, khi các thầy thuốc Ả Rập bắt đầu sử dụng các dược phẩm được bào chế đặc biệt. Trong thời gian này ở Baghdad đã mở hiệu thuốc đầu tiên trên thế giới.
Nhà khoa học nổi tiếng nhất của thời điểm đó là nhà y học và giả kim thuật Ả Rập Jabir ibn Haiyang (Gayan), được biết đến dưới tên La tinh Heber (721-815). Ông được xem là tác giả của hàng trăm công trình khoa học, trong đó mô tả các quá trình hóa học khác nhau và các thí nghiệm chuyển hóa các chất. Trong các bài luận của Heber có thể tìm thấy những kiến giải về lý thuyết kim loại được vay mượn từ các nhà giả kim thuật Hy lạp-Ai Cập. Khi quan sát sự chuyển hóa của các kim loại, ông nghĩ rằng: một kim loại càng tinh khiết thì càng chứa nhiều thủy ngân, và càng kém tinh khiết thì càng chứa nhiều lưu huỳnh. Ông tin rằng các kim loại được hình thành trong lòng đất từ lưu huỳnh và thủy ngân dưới tác động của các hành tinh. Heber đã lập ra một trường dạy khoa học ở Baghdad. Ông được coi là người sáng lập phương pháp hóa học thực nghiệm (nghiên cứu và áp dụng các phương pháp chưng cất, kết tinh, v.v…).
Ngược lại với Heber, Avicenna, nhà thực nghiệm tự nhiên, bác sĩ và nhà triết học Trung Á đã bác bỏ khả năng chuyển hóa lẫn nhau giữa các kim loại. Trong khi đó, ông tin rằng các kim loại quý có thể phát triển trong lòng của trái đất dưới ảnh hưởng của mặt trăng và mặt trời. Mặc dù Avicenna không đề xuất lý thuyết hóa học mới nào, nhưng ông là một trong những người đầu tiên nghi ngờ về mục tiêu của các nhà giả kim thuật.
Các nhà giả kim thuật Ả Rập đã giữ gìn thành công những kiến ​​thức, mà họ được truyền lại từ Ai Cập và Hy Lạp, để rồi sau đó lại được thâm nhập vào châu Âu. Đồng thời họ đã mở ra những cách thức mới trong việc nghiên cứu tự nhiên. Thành tựu quan trọng nhất của các nhà giả kim thuật Ả Rập được xem là việc sáng lập ra khoa học về bào chế và sử dụng thuốc. Các nhà giả kim thuật đưa một số hợp chất của thủy ngân, kẽm, đồng, kiềm và phèn, cùng với các chất chiết xuất từ ​​thực vật, vào thực hành y học. Khi sử dụng phương pháp chưng cất, họ điều chế được các loại tinh dầu và nước cất. Nhà giả kim thuật Ả Rập, sử dụng một loại thuốc gọi là "vàng có thể uống được" có các đặc tính chữa bệnh lạ thường (thuốc chữa bách bệnh hay tiên đan trường thọ).
Abu Ali al-Husayn ibn Sina (980-1037), tên Latinh - Avicenna, một bác sĩ nổi tiếng, nhà giả kim thuật và triết học (dân tộc Tajik, sinh ra trên lãnh thổ Uzbekistan hiện nay). Đã điều chế được axit chlohydric, sulfuric và nitric, kali và natri hydroxit. Các bài luận triết học, khoa học tự nhiên và y học của ông đã được biết đến ở các quốc gia phương Đông và phương Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét